Quy tắc lắp và đặt cấu hình bộ nhớ
Intel và AMD quy định các quy tắc lắp và đặt cấu hình bộ nhớ cho chipset và bộ xử lý của mình. Với mỗi chipset, họ cung cấp thiết kế tham chiếu và hướng dẫn mà các nhà sản xuất bo mạch chủ và máy tính cần tuân thủ khi xây dựng nền tảng của mình.
Các hướng dẫn nêu chi tiết tốc độ chính thức được hỗ trợ (tính bằng MT/giây) cho bộ nhớ tiêu chuẩn công nghiệp JEDEC (không ép xung) của từng chipset, dựa trên cách lắp, đặt cấu hình và loại thanh ram (Bậc đơn 1R / Bậc đôi 2R). Chúng tôi sắp xếp thông tin này trong các bảng để bạn tiện tra cứu. Các bảng này rất quan trọng, giúp việc đặt cấu hình bộ nhớ sao cho đạt được hiệu năng tốt nhất.
Bên cạnh các quy tắc lắp và đặt cấu hình bộ nhớ theo chipset, các dòng bộ xử lý cũng là yếu tố ảnh hưởng đến tốc độ hoạt động của bộ nhớ và các tính năng được hỗ trợ (chẳng hạn như ECC). Đây thường là một chi tiết bị bỏ qua khi mua bộ xử lý, vì một số dòng (chẳng hạn như những dòng có số lõi ít hoặc tiêu thụ điện năng thấp) có thể làm giảm hiệu suất bộ nhớ xuống dưới tốc độ chính thức của chipset.
Kingston cung cấp các bảng sau đây làm tài liệu tham khảo để giúp khách hàng hiểu rõ về tốc độ chính thức được hỗ trợ bởi từng chipset của Intel và AMD. Vì bộ nhớ tiêu chuẩn công nghiệp của Kingston được thiết kế để hoạt động theo các thông số kỹ thuật của JEDEC, chúng tôi kiểm tra tốc độ và thông số kỹ thuật của thanh ram. Các thanh ram DDR5, DDR4 và DDR3 đều được thiết kế để tương thích ngược, có thể giảm tốc độ xuống thấp hơn khi bị giới hạn bởi chipset.
Vui lòng tham khảo tài liệu hướng dẫn bo mạch chủ cụ thể, danh sách nhà cung cấp được chứng nhận (QVL) và Công cụ lập cấu hình trên trang web của Kingston để biết chi tiết về tốc độ và cấu hình bộ nhớ được hỗ trợ.
Định nghĩa |
Bộ xử lý |
Bộ xử lý (hay còn gọi là CPU) là linh kiện chính của máy tính, chịu trách nhiệm diễn giải và thực thi các lệnh từ phần mềm, đồng thời điều khiển mọi hoạt động mà máy tính thực hiện. Intel và AMD là hai nhà sản xuất bộ xử lý hàng đầu cho máy tính cá nhân, mỗi hãng cung cấp nhiều dòng sản phẩm với các mức hiệu năng khác nhau. |
Chipset |
Chipset đề cập đến một hoặc nhiều chip điều khiển chính trên bo mạch chủ, chịu trách nhiệm quản lý luồng dữ liệu giữa các linh kiện khác nhau (bộ xử lý, RAM, ổ lưu trữ, đồ họa, v.v.). Trước đây, chipset là một “bộ” chip, gọi là chipset cầu bắc (North Bridge) và chipset cầu nam (South Bridge). Trong các máy tính ngày nay, chipset cầu bắc và nhiều chức năng của chipset cầu nam hiện đã được tích hợp vào bộ xử lý. |
Loại chipset |
Có nhiều loại chipset khác nhau, mỗi loại có tên gọi, tính năng và khả năng riêng biệt. Chipset thường được phân loại ban đầu bằng một chữ cái, thể hiện phân khúc thị trường hoặc hiệu năng, sau đó là một chuỗi số biểu thị thế hệ. Ví dụ: các chipset dòng Z của Intel và dòng X của AMD được thiết kế cho các ứng dụng hiệu năng cao như chơi game (Z890, X870), trong khi các chipset dòng B và A được thiết kế cho các máy tính phổ thông, chi phí thấp hơn (B860, B850, A620). Chipset phải tương thích với các thành phần khác mà bạn muốn sử dụng, chẳng hạn như bộ xử lý và bộ nhớ. Chipset không thể nâng cấp, vậy nên, các khe cắm trên bo mạch chủ cần phù hợp với các thành phần bạn muốn sử dụng. Dưới đây là một số chipset được đề cập trong bài viết này: AMD X870E, X870 AMD X670, B650, A620 Intel Z890, B860, H810 Intel Z790, B760 Intel Z690 |
Khả năng tương thích của chipset |
Mặc dù chipset AMD và Intel có thể hỗ trợ công nghệ RAM, card đồ họa và thiết bị lưu trữ giống nhau, chipset của AMD và Intel không tương thích chéo với bộ xử lý của nhau. Một bộ xử lý Intel chỉ hoạt động với chipset tương thích với Intel, và điều này cũng áp dụng tương tự với AMD. Bên cạnh đó, còn nhiều yếu tố khác cần xem xét khi đánh giá khả năng tương thích và hiệu năng giữa chipset, CPU và bộ nhớ. |