Bàn tay đặt bên trong thùng máy tính đang mở

Cách tự dựng PC

Bàn tay đang mở thùng máy tính ra

Có rất nhiều người mong muốn được lắp ráp chiếc máy tính của riêng mình nhưng lại không chắc phải bắt đầu từ đâu. Kingston sẽ cung cấp một danh sách các linh kiện cần thiết và thông tin cơ bản về lắp ráp máy để bạn có định hướng ban đầu đúng đắn và tự tin trên hành trình tìm kiếm dàn máy hoàn hảo cho bản thân mình.

Khi lắp máy tính, mối quan tâm hàng đầu thường là vấn đề về ngân sách. Có thể bạn sẽ mất ít chi phí hơn khi lắp ráp một chiếc máy tùy chỉnh, phù hợp với nhu cầu của bản thân thay vì mua hàng bán sẵn. Tuy nhiên, điều này cũng thường phụ thuộc vào việc bạn săn tìm hàng rẻ và chỉ lựa chọn những linh kiện cần thiết để lắp ráp. Nếu bạn đang lắp máy trạm để phục vụ công việc biên tập video, bạn có thể bỏ qua hệ đèn RGB và hệ thống tản nhiệt bằng chất lỏng.

Một điều quan trọng nữa cần phải xem xét là kích cỡ. Thùng máy của bạn phải đủ to để lắp tất cả các linh kiện vào một cách an toàn. Bạn sẽ sắp xếp như thế nào? Sử dụng PSU lắp trên nóc thùng hay lắp phía dưới? Cả hai đều có những ưu điểm riêng. PSU lắp phía dưới sẽ giúp thùng máy ổn định từ trọng tâm thấp hơn. PSU lắp phía sau lại mang đến cho bạn nhiều phương án tản nhiệt hơn.

Tự dựng PC có rẻ hơn hay không?

Khi quyết định kích thước thùng máy, bạn cũng cần cân nhắc đến bo mạch chủ. Một số CPU chỉ có thể vừa với những bo mạch chủ nhất định. Thông thường, sẽ tốt hơn nếu bạn chọn loại CPU mình muốn sử dụng trong giai đoạn lập ngân sách, trước khi quyết định sử dụng loại bo mạch chủ và thùng máy nào. Có lẽ bạn sẽ muốn sở hữu một bộ xử lý với hiệu suất tốt nhất, xứng đáng với chi phí đã bỏ ra, đặc biệt là về:

  • Lõi
  • Tốc độ bộ xử lý
  • Siêu phân luồng/Đa luồng

Có thể bạn cũng muốn xem xét những lựa chọn về RAM. DDR4 ít tốn kém hơn nhưng tiêu thụ nhiều điện năng hơn và có tốc độ xung nhịp thấp hơn. DDR5 mắc hơn nhưng có thể đáp ứng những thay đổi trong tương lai và có hiệu năng tốt hơn. Xin nhắc lại, cách bạn chọn CPU và bo mạch chủ có thể sẽ ảnh hưởng đến quyết định của bạn vì không phải loại RAM nào cũng tương thích với tất cả bo mạch chủ hoặc bộ xử lý. Nếu được, hãy mua bộ nhớ theo cặp để có thể tận dụng chế độ kênh đôi, từ đó đạt hiệu năng tốt hơn.

Yếu tố tiếp theo bạn cần quyết định là bộ lưu trữ. Liệu bạn sẽ chọn ổ HDD giá rẻ nhưng chạy ồn và tiêu thụ nhiều điện năng? Hay ổ SSD nhanh hơn và có giá cả ngày càng phải chăng hơn?

Tự dựng PC chơi game

Lắp ráp máy tính có hệ thống tản nhiệt bằng chất lỏng với bộ nhớ Kingston FURY Beast

Bạn cũng sẽ phải chọn GPU. GPU tích hợp vào một số bộ xử lý mang đến nhiều ưu điểm hơn so với card đồ họa chuyên dụng. Ví dụ như tiết kiệm điện hơn, ít xảy ra những vấn đề về khả năng tương thích hơn, thường đơn giản hơn khi xử lý, cũng như rẻ hơn. Tuy nhiên, GPU chuyên dụng thường mạnh hơn và có nhiều cổng hơn (chẳng hạn như khi bạn thiết lập nhiều màn hình) dù cần nhiều chi phí hơn.

Nếu bạn đang lắp ráp máy tính chơi game, hoặc sử dụng cho công việc biên tập video hoặc CAD, có thể GPU chuyên dụng sẽ tăng thêm công suất máy, vốn rất cần thiết cho bạn. Nhưng hãy đảm bảo rằng bo mạch chủ bạn đã chọn có đủ không gian. Đối với card đồ họa, AMD và NVIDIA® là lựa chọn hàng đầu, và lựa chọn của bạn sẽ xuất phát từ việc bạn muốn chơi game gì. Một số game sẽ được thiết kế đặc biệt để tương thích với các công cụ do hãng này hoặc hãng kia phát triển.

Chúng ta đã bàn về các linh kiện tiêu thụ nhiều điện năng ở vài thời điểm nào đó. Những linh kiện này lấy nguồn điện từ PSU (bộ cấp nguồn). Điều quan trọng là cân bằng PSU với công suất mà dàn máy của bạn cần. Một cách hữu hiệu để đảm bảo PSU bạn chọn sẽ tương xứng với yêu cầu của hệ thống là sử dụng công cụ tính, chẳng hạn như Máy tính tính công suất nguồn Outervision. (Lưu ý: sử dụng PSU lớn hơn không nhất thiết là nhiệt độ sẽ cao hơn hoặc lãng phí điện hơn – mà chỉ đơn giản là có khả năng cung cấp nhiều năng lượng cho hệ thống hơn. Hệ thống sẽ chỉ lấy lượng điện cần dùng)

Khi nhắc đến hệ thống tản nhiệt, nhiều linh kiện sẽ đi kèm với những biện pháp kiểm soát nhiệt riêng. Dù vậy, nếu bạn đang lắp ráp một chiếc máy đặc biệt có hiệu năng cao, hoặc việc tăng cường tản nhiệt có thể có lợi đối với bố cục thùng máy, có một số phương án lắp đặt mà bạn có thể tự làm. Tản nhiệt bằng không khí là phương án rẻ và linh hoạt, nhưng lại phát ra tiếng ồn. Quạt tối đa lưu lượng khí giúp lưu thông không khí trong toàn bộ thùng máy, còn quạt áp suất tĩnh lại phù hợp để tản nhiệt tập trung vào một linh kiện nhất định hoặc khi có các yếu tố cản trở lưu thông không khí trong thùng.

Lắp ráp thùng máy tính của riêng bạn

Khi bạn đã có được các bộ phận cần thiết và đã sẵn sàng bắt tay vào lắp ráp thì điều quan trọng là phải tiến hành một cách chính xác. Hãy bày các linh kiện và thùng máy ra. Đảm bảo rằng bao bì sản phẩm và những công cụ cần thiết đang nằm trong tầm với của bạn. Yêu cầu thông thường là:

  • Tuốc nơ vít Phillips
  • Bàn chải
  • Kìm mũi nhọn

Hãy lắp ráp trên bề mặt rộng và bằng phẳng, không tích tĩnh điện: bạn sẽ không muốn các linh kiện bị hỏng trước khi lắp vào. Đeo vòng đeo tay chống tĩnh điện cũng là lựa chọn thông minh. Hãy cẩn thận khi lắp ráp! Nhiều linh kiện dùng để lắp ráp máy tính có cạnh sắc và có thể làm bạn đứt tay.

Có rất nhiều ý kiến khác nhau về việc nên bắt đầu lắp ráp máy tính từ đâu. Có người thì lắp PSU vào trước, có người lại lắp bo mạch chủ. Chúng tôi khuyến nghị lắp PSU trước bởi vì khi đã đặt những bộ phận khác vào trong thùng máy thì sẽ khó lắp PSU hơn. Hãy đảm bảo rằng PSU đã được thiết lập ở mức điện áp chính xác (hoặc đó là bộ mới hơn có thể chỉnh điện áp riêng) và quạt đã đặt đúng chỗ, rồi vặn ốc vít vào đúng vị trí. Đảm bảo dây cáp nằm ngoài thùng máy để không vướng vào các linh kiện lắp sau đó.

Lắp ráp bo mạch chủ của máy tính

Khi lắp ráp các linh kiện trong bo mạch chủ, thường thì bạn nên lắp bên ngoài thùng máy, chứ không lắp bên trong vì bên ngoài có nhiều không gian hơn. Thỉnh thoảng CPU có thể sẽ khó lắp đặt. Nhưng nhiều loại CPU có đi kèm với dấu chỉ báo, chẳng hạn như mũi tên trên bề mặt, để chỉ ra cách căn chỉnh chính xác. Chúng tôi khuyến nghị lắp đặt hệ thống tản nhiệt vào cùng thời điểm lắp CPU. Bộ xử lý nóng lên rất nhanh: chạy CPU ‘để thử nghiệm’ khi không có hệ thống tản nhiệt có thể rất tai hại.

Linh kiện tiếp theo cần lắp ráp là RAM chơi game. Không bao giờ xử lý RAM bằng ngón tay đồng: bạn có thể làm hỏng RAM. Bắt đầu với khe cắm bo mạch chủ được đánh dấu DIMM 1 hoặc Bank 0, hãy mở kẹp ở một trong hai đầu của khe cắm bộ nhớ, và đảm bảo căn chỉnh khía trong thanh bộ nhớ với phím đang nhô lên trong khe cắm bộ nhớ. Các kẹp sẽ bật trở lại vị trí nếu bạn đã lắp card vào đúng cách. Bộ nhớ đa kênh phải được lắp đặt theo cặp ở vị trí chính xác để hoạt động bình thường. Tìm ổ cắm có mã màu hoặc xem hướng dẫn sử dụng bo mạch chủ để biết hướng dẫn nếu cần.

Lắp đặt tấm I/O vào trên bo mạch chủ là việc vô cùng đơn giản: chỉ cần canh thẳng hàng và nhấn vào vị trí thật chắc chắn. Các lẫy kim loại trên mặt sau phải thẳng hàng với lẫy trên bo mạch chủ. Nếu không, bạn có thể điều chỉnh bằng kìm mũi nhọn. Đôi khi, tấm I/O đã được lắp đặt sẵn từ trước. Trong trường hợp đó, bạn không cần phải làm gì nữa.

Khi tấm I/O đã sẵn sàng, bạn có thể hạ bo mạch chủ xuống vào trong thùng máy thật cẩn thận để xem tấm nâng cần đặt ở nơi nào. Tấm nâng sẽ tách riêng bo mạch chủ và các mặt của thùng máy, nhưng bạn vẫn có thể vặn chặt bo mạch chủ vào với tấm nâng đang cố định. Không siết quá chặt, nếu không bo mạch chủ có thể bị cong vênh.

Giờ đây, bạn đã có thể lắp đặt các linh kiện như GPU và bộ nhớ lưu trữ. Hãy cẩn thận đặt những linh kiện đó vào trong khe thích hợp và đảm bảo rằng chúng đã nằm vừa khít. Ổ M.2 có thể có khe cắm chuyên dụng trên bo mạch chủ, nên nếu bạn không chắc chắn, hãy tham khảo hướng dẫn sử dụng bo mạch chủ.

Bố trí dây cáp và khởi động chiếc máy tính mới tự lắp

Bước tiếp theo là nối dây cáp.

  • Chạy dây cáp từ (các) ổ đến bo mạch chủ
  • Chạy dây cáp nguồn từ PSU đến bo mạch chủ
  • Chạy dây cáp nguồn từ PSU đến (các) ổ và các linh kiện khác

Việc bố trí tốt dây cáp sẽ giúp kiểm soát nhiệt và lưu thông khí tốt hơn. Hãy xem bạn có thể cố định dây cáp để dây không bị rối và chiếm không gian hay không. Nối tất cả các đầu cắm quạt cho thùng máy và CPU với bo mạch chủ, rồi kết nối các đầu cắm còn lại cho bảng điều khiển phía trước, USB, âm thanh và điều khiển nguồn. Tất cả các dây dành cho đèn và nút thùng máy cũng phải được căn chỉnh.

Khi bạn đang lắp ráp chiếc máy tính đầu tiên của mình, nên chờ đến khi hoàn thành việc lắp ráp trước khi khởi động thử. Hãy nhớ tháo vòng tay chống tĩnh điện bạn đang đeo ra trước khi khởi động! Để thùng máy mở, nối màn hình và đảm bảo rằng tất cả các quạt đều đang quay, đặc biệt là quạt CPU. Nếu không, lập tức tắt máy tính để tránh làm hỏng các linh kiện máy. Nếu màn hình hiển thị logo của nhà sản xuất bo mạch chủ, có thể bạn đã hoàn tất! Nếu không, hãy kiểm tra lại kết nối và thử lại.

Bước tiếp theo sau khi khởi động thành công là điều chỉnh BIOS và thiết lập ngày giờ. Một khi đã xong bước này thì cài đặt hệ điều hành mà bạn muốn sử dụng chỉ là vấn đề đơn giản. Xin chúc mừng! Chiếc máy tính mới của bạn đã sẵn sàng để sử dụng!

#KingstonIsWithYou #KingstonFURY

Video liên quan

Bài viết liên quan