kfury articles choose components overclocking hero

Chọn linh kiện phù hợp để ép xung

CPU đặt trên bàn gỗ, xung quanh là các linh kiện máy tính khác dùng trong quá trình dựng máy tính

Việc chọn linh kiện phù hợp cho PC có thể là rất quan trọng đối với ép xung bộ nhớ. Không chỉ là chọn kit bộ nhớ phù hợp với bo mạch chủ, việc chọn đúng loại bo mạch chủ, bộ xử lý, bộ cấp nguồn, vỏ và bộ tản nhiệt cũng sẽ ảnh hưởng đến tính ổn định và tốc độ có thể đạt được.

Trong bài viết trước, chúng tôi đã nhắc đến việc sử dụng kết hợp Bộ cấu hình của Kingston và danh sách cấu phần đủ tiêu chuẩn của bo mạch chủ (QVL) để chọn kit bộ nhớ có thể ép xung tương thích. Trong bài viết này, chúng ta sẽ đi sâu hơn về các linh kiện khác cấu tạo nên PC và sẽ có các lời khuyên về việc lựa chọn các linh kiện giúp tăng tiềm năng ép xung và tính ổn định.

Đầu tiên, chúng ta hãy giả định rằng bạn đang dựng một PC mới chứ không phải nâng cấp. Dù vậy, một số phần của bài viết này cũng có thể áp dụng cho việc nâng cấp PC.

Thông thường, dựng PC sẽ bắt đầu với một ngân sách. Lập kế hoạch về số tiền mình muốn chi trả sẽ giúp bạn quyết định giữa sử dụng các linh kiện với thông số kỹ thuật cơ bản hay các sản phẩm cao cấp, cũng như những linh kiện bạn muốn chi ít hơn. Bạn hoàn toàn có thể dựng một hệ thống tuyệt vời mà không cần tốn nhiều chi phí. Hầu hết mọi nhà cung cấp linh kiện đều có danh mục sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của những người dựng máy lưu tâm nhiều đến vấn đề ngân sách.

Bo mạch chủ

Hệ thống ánh sáng mang phong cách tương lai soi sáng một chiếc CPU thế hệ tiếp theo

Việc lựa chọn bo mạch chủ đối với người mới có thể sẽ khá là rắc rối vì có quá nhiều lựa chọn trên thị trường. Một cách để giới hạn phạm vi lựa chọn là biết được bạn muốn sử dụng bộ xử lý của thương hiệu nào trong số hai thương hiệu lớn: Intel hoặc AMD. Cả hai thương hiệu đều cung cấp các mẫu từ cấp thấp cho đến cao cấp. Các mẫu cao cấp thường có nhiều nhân và tốc độ cao hơn, cũng như khả năng ép xung bộ nhớ. Các mẫu cấp thấp có thể sẽ tiết kiệm điện hơn và có hiệu năng đủ cho hầu hết các ứng dụng, nhưng đôi khi sẽ hạn chế hoặc chặn ép xung bộ nhớ. Một điều quan trọng cần cân nhắc là nên chọn bộ xử lý hỗ trợ đồ họa tích hợp hay dùng card đồ họa rời. Nếu bạn quyết định dựng một hệ thống không sử dụng card đồ họa rời và muốn tận dụng chức năng đồ họa tích hợp trong bộ xử lý, bạn cần xem xét các mẫu bộ xử lý cung cấp tính năng này.

Mỗi năm, Intel và AMD đều cho ra mắt thế hệ bộ xử lý và chipset mới. Chipset là các linh kiện và kết nối chính quản lý luồng dữ liệu trên bo mạch chủ. Bộ xử lý và chipset gắn liền với nhau, dù đôi khi các bo mạch chủ đời cũ cũng có thể sử dụng các bộ xử lý thế hệ mới với các bản cập nhật phần mềm điều khiển (BIOS). Một ví dụ về sự kết hợp giữa chipset và bộ xử lý là chipset dòng 700 của Intel được gắn với bộ xử lý dòng Core thế hệ 13 của thương hiệu này. Intel dòng 700 gồm có các chipset Z790, H770 và B760. Các chipset dòng 600 của AMD là X670E, X670 và B650 và được kết hợp với các bộ xử lý dòng Ryzen 7000. Ngoài ra còn có các nền tảng cao cấp cung cấp nhiều kênh bộ nhớ hơn và các bộ xử lý có nhiều nhân hơn, chẳng hạn như X299 của Intel và TRX40 của AMD.

Ngoài cải tiến các chức năng của bộ xử lý và hỗ trợ công nghệ bộ nhớ nhanh hơn, mỗi thế hệ chipset còn bổ sung công nghệ và cải tiến mới so với thế hệ trước. Các công nghệ và cải tiến này bao gồm các giao diện USB mới nhất, tốc độ ethernet, kết nối bộ lưu trữ và thế hệ PCIe.

Bo mạch chủ có ba kích thước chính: ATX, microATX (mATX) và mini-ITX. ATX là kích thước bo mạch chủ phổ biến nhất dành cho máy tính để bàn và cung cấp nhiều tính năng nhất, chẳng hạn như có nhiều khe cắm M.2 và PCIe, cũng như các khe cắm bộ nhớ đa kênh. Hầu hết vỏ PC đều được chế tạo để vừa với các loại bo mạch chủ này. Bo mạch MicroATX có chiều cao thấp hơn bo mạch chủ ATX, dẫn đến số lượng khe cắm PCIe và M.2 ít hơn. Vì vậy, bo mạch MicroATX cũng thường rẻ hơn bo mạch ATX. Bo mạch chủ Mini-ITX đang trở nên phổ biến hơn khi những người đam mê PC bắt đầu dựng những PC kích cỡ nhỏ. Những bo mạch này có thể đắt hơn bo mạch ATX thông thường vì các nhà sản xuất cố gắng nhồi nhét các tính năng của bo mạch ATX trong một kích thước nhỏ.

Khi đã quyết định được kích cỡ chipset và bo mạch chủ, bạn cần duyệt qua các tùy chọn từ các nhà cung cấp bo mạch chủ khác nhau để chọn loại phù hợp cho mình. Bốn thương hiệu lớn nhất (ASRock, ASUS, Gigabyte và MSI) thường có hai hoặc ba dòng cho mỗi chipset, đại diện cho các tùy chọn cấp thấp, trung cấp và cao cấp. Các bo mạch cao cấp hơn sẽ hỗ trợ để đạt tốc độ ép xung bộ nhớ nhanh nhất và sử dụng các vật liệu tốt nhất (tụ điện, mối nối, độ dày của bo mạch) nhằm mang đến trải nghiệm ổn định. Những bo mạch trung cấp và cấp thấp là các lựa chọn tuyệt vời cho người dựng máy lưu tâm đến vấn đề ngân sách, trong khi vẫn mang đến khả năng ép xung tốt với vật liệu đáng tin cậy.

Bộ xử lý

Logo Intel Core, một hình vuông màu xanh lam với dòng chữ ‘intel CORe’ có màu trắng chuyển xanh lam

Sau khi chọn bo mạch chủ, bạn cần chọn mẫu bộ xử lý. Đối với Intel, dòng Bộ xử lý CoreTM mang đến cho bạn nhiều lựa chọn, từ Core i3 cấp thấp, đến Core i5 tầm trung, rồi Core i7 và Core i9 cao cấp. Đối với các máy tính có hiệu năng cực đỉnh, Core X-series của Intel cung cấp nhiều nhân xử lý đa luồng nhất, băng thông bộ nhớ rộng nhất và hỗ trợ các mức dung lượng bộ nhớ trên 128 GB. Dòng này kết hợp với chipset HEDT (Máy tính để bàn cao cấp) và có đế cắm CPU khác với dòng Core i3 - i9 chính của thương hiệu. Cách chi tiêu hợp lý nhất đối với các bản dựng hiệu năng sử dụng Intel là dùng các chipset và bộ xử lý chủ đạo của thương hiệu này. Bạn nên dùng Core i5, i7 hoặc i9 nếu muốn ép xung bộ nhớ vì có thể Core i3 và các mẫu cấp thấp hơn sẽ chặn hỗ trợ ép xung. Nói chung, bộ xử lý càng nhiều nhân và tốc độ càng nhanh (tính bằng GHz) thì sẽ càng mắc. Ngoài ra, hãy để ý kỹ các chữ cái ở cuối mã bộ xử lý vì những chữ cái này biểu thị tính năng cụ thể mà bộ xử lý cung cấp. Ví dụ: Core i5-13600 có phiên bản 13600K/T với đồ họa Intel 770 hoặc 13600KF/F không có đồ họa tích hợp trên bo mạch.

Logo AMD Ryzen, dòng chữ ‘AMD RYZEN’ bằng phông chữ mang phong cách tương lai

Đối với AMD, các bộ xử lý dòng RyzenTM cũng được sắp xếp tương tự như Intel. Các bộ xử lý chủ đạo của Ryzen là các dòng Ryzen 5, 7 và 9 với nhiều nhân và tốc độ cao hơn ở các dòng càng cao. AMD cũng hỗ trợ các mẫu đồ họa tích hợp và giúp bạn dễ dàng xác định các mẫu này bằng cách thêm chữ G vào mã mẫu. Các mẫu không có chữ G sẽ yêu cầu card đồ họa bổ trợ rời. Dòng có hiệu năng cực đỉnh của AMD được gọi là Ryzen ThreadripperTM và, cũng tương tự như Core X-series của Intel, dòng này cung cấp nhiều kênh bộ nhớ hơn, nhiều nhân hơn và tốc độ cao hơn so với các mẫu chủ đạo.

Vỏ

Thùng máy PC dạng đứng màu trắng trên bàn với các linh kiện gồm Kingston FURY DDR5 Beast RGB hiện ra bên ngoài, với bàn phím RGB và màn hình hiển thị logo Kingston FURY

Đây chính là nơi hình thức và chức năng đóng một vai trò quan trọng đối với mục đích quan trọng nhất của PC. Dù trên thị trường có rất nhiều loại vỏ để lựa chọn nhưng thiết kế có thể khác nhau. Một số loại tập trung nhiều vào phong cách hơn với vách trong suốt và đèn RGB, trong khi các loại khác lại ưu tiên sự tối giản và lưu thông khí tối đa. Những người dựng máy cần tự hỏi liệu bản thân muốn có một chiếc PC nằm ẩn dưới bàn và ít được nhìn thấy hay một chiếc PC có tính thẩm mỹ để bản thân thưởng thức. Nhưng dù là trường hợp nào thì luồng khí luôn là yếu tố quan trọng nhất. Nhiệt độ quá cao bên trong vỏ PC là mối đe dọa lớn nhất đối với tính ổn định và khả năng ép xung. Việc giữ cho phần bên trong vỏ mát mẻ sẽ đảm bảo mọi thiết bị điện tử luôn ở trong ngưỡng hoạt động an toàn. Điều chính yếu cần lưu ý là liệu loại vỏ này có vừa với bộ tản nhiệt CPU bạn đã chọn hay không. Nếu bạn muốn dùng bộ làm mát loại sử dụng không khí thì điều quan trọng là cần đảm bảo chiều rộng vỏ máy là vừa đủ, vì có một số bộ tản nhiệt nằm rất xa so với bộ xử lý. Nếu bạn muốn sử dụng bộ tản nhiệt sử dụng chất lỏng thì việc chọn vỏ hỗ trợ két làm mát (radiator) là rất quan trọng, và vỏ cũng phải có chiều dài phù hợp. Một số bộ tản nhiệt bằng chất lỏng khép kín tất-cả-trong-một (AIO) có chiều dài ống giữa két làm mát và bộ làm mát rất giới hạn, vì vậy, hãy đảm bảo bạn chọn loại vỏ có nhiều tùy chọn lắp két làm mát để dự phòng. Một điều quan trọng nữa là liệu vỏ có hỗ trợ chiều dài card đồ họa và số lượng card PCIe bạn có thể dự định lắp đặt hay không. Card đồ họa có thể có một, hai hay thậm chí là ba quạt, tùy thuộc vào mức độ làm mát cần thiết để giữ cho GPU hoạt động ổn định và hiệu quả. Card có ba quạt có thể là khá dài, thậm chí vượt quá chiều rộng của bo mạch chủ. Cuối cùng, bạn nên sử dụng vỏ có bố trí dây cáp gọn gàng, đặc biệt nếu bạn định khoe PC của mình. Hầu hết các loại vỏ từ trung cấp đến cao cấp đều có các lớp và đường cắt được thiết kế rất kỹ để ẩn và sắp xếp hàng loạt các dây nối linh kiện.

Bộ tản nhiệt

Cận cảnh quạt tản nhiệt CPU màu xanh lam trong vỏ PC màu đen

Chọn lựa bộ tản nhiệt có thể sẽ là khá phức tạp do có nhiều lựa chọn và mức giá của các bộ tản nhiệt khí và bộ tản nhiệt chất lỏng dành cho bộ xử lý. Các bộ xử lý từ cấp thấp đến cao cấp hoàn toàn có thể sử dụng bộ tản nhiệt khí nhưng sẽ không hiệu quả và yên lặng như bộ tản nhiệt sử dụng chất lỏng. Bộ tản nhiệt khí chuyển nhiệt ra khỏi bộ xử lý, nhưng nếu vỏ máy không thông khí tốt thì nhiệt độ sẽ bị kẹt lại, làm ảnh hưởng đến các linh kiện khác. Việc lên kế hoạch cho luồng khí trong vỏ trở nên cực kỳ quan trọng với loại bộ làm mát này, với các quạt phía trước được bố trí để hút không khí từ bên ngoài và các quạt phía sau hoặc phía trên để đẩy không khí nóng ra. Bạn cũng cần xem xét nơi đặt PC. Nếu bạn đặt PC trong một phòng ngủ hoặc phòng làm việc không được thông khí tốt và nhiệt độ không khí xung quanh trở nên ấm hoặc nóng, một bộ làm mát dùng không khí có thể sẽ không phải là lựa chọn tối ưu. Trước đây, chỉ có các chuyên gia mới thử bộ tản nhiệt dùng chất lỏng vì việc định tuyến và lắp ráp phức tạp, chưa kể đến nguy cơ rò rỉ vô cùng nguy hiểm. Nhưng ngày nay, tản nhiệt bằng chất lỏng AIO là lựa chọn tương đối rẻ và hiệu quả cho người dựng máy ở mọi cấp độ, dù phải lắp đặt nhiều hơn một vài bước so với hệ thống tản nhiệt bằng không khí. Các mẫu cấp thấp sẽ chỉ có một hoặc hai quạt và có két làm mát ngắn hơn. Trong khi đó, các mẫu cao cấp sẽ có từ ba quạt trở lên được bố trí trên một két làm mát dài hơn. Những mẫu có một hoặc hai quạt đã đủ để làm mát cho các bộ xử lý và PC phổ thông, vốn dùng để xử lý các khối lượng công việc và chơi game từ mức nhẹ đến trung bình. Đối với PC có hiệu năng cao, bạn nên xem xét sử dụng các mẫu có từ ba quạt trở lên.

Bộ nhớ

Kingston FURY SSDs

Khi xem xét lựa chọn bộ lưu trữ, thông thường chung quy lại sẽ là mức dung lượng bạn cần, và tốc độ bạn mong muốn. Ổ cứng HDD truyền thống sẽ là tùy chọn có giá thấp nhất tính theo gigabyte và có thể có mức dung lượng cao nhất trên mỗi ổ, nhưng tốc độ lại chậm. Vì loại ổ này dựa vào đĩa quay bên trong để lưu trữ dữ liệu nên tiếng ồn và độ rung cũng đôi khi gây khó chịu. Ngày nay, ổ HDD chủ yếu được sử dụng để lưu trữ dữ liệu lớn, chẳng hạn như ảnh, nhạc, video và bản sao lưu, còn hệ điều hành và các ứng dụng chính được đặt trên ổ cứng thể rắn (ổ SSD). Ổ SSD không có bộ phận chuyển động vì dữ liệu được lưu trữ trên chip flash và loại ổ này có nhiều lựa chọn về kích cỡ và tính năng để đạt kết nối tốc độ cao. Ổ SSD SATA 2,5” nằm vừa vặn trong vỏ và kết nối đến bo mạch chủ bằng dây cáp để có hiệu năng đọc/ghi trong khoảng 500 MB/giây. Một số bo mạch chủ cao cấp cũng hỗ trợ ổ PCIe NVMe (Non-Volatile Memory Express) 2,5’’ sử dụng giao diện/đầu nối U.2, có thể đọc/ghi nhanh hơn SATA đến 14 lần. Tuy nhiên, đối tượng được nhắm đến của hầu hết các ổ U.2 PCIe NVMe đều là các trung tâm dữ liệu nên việc tìm kiếm các tùy chọn ít tốn kém mà lại có tính năng hướng đến người dùng PC có thể là một việc khá rắc rối. Người ta cho rằng kích cỡ ổ SSD phù hợp nhất với máy tính để bàn và máy tính xách tay là ổ SSD M.2. Ổ này không có vỏ và được lắp trực tiếp vào bo mạch chủ giống như RAM. Ổ M.2 có một số giao diện khác nhau, vì vậy điều quan trọng là phải biết bo mạch chủ của bạn có loại khe cắm nào: SATA, PCIe AHCI (đời cũ hơn) hay PCIe NVMe. Hầu hết các bo mạch máy tính để bàn ngày nay đều có nhiều khe cắm PCIe NVMe M.2 và những khe cắm này mang đến các tùy chọn đọc/ghi nhanh nhất cho lưu trữ PC. Bạn cần kiểm tra mẫu bo mạch chủ của mình để xem có loại khe cắm PCIe nào (PCIe Gen 3.0, 4.0, 5.0) và chiều dài bao nhiêu (2230, 2280, 22110, v.v.), để thu hẹp phạm vi các ổ có thể sử dụng. Các ổ nhanh hơn và có các mức dung lượng cao hơn cũng sẽ tăng nhiệt khá nhanh khi chạy, nên nhiều nhà cung cấp cung cấp bộ làm mát hoặc bộ tản nhiệt để giữ mát cho ổ. Bo mạch chủ cũng có thể có các bộ làm mát có thể tháo rời.

Đồ họa

Cận cảnh card đồ họa video có GPU mạnh mẽ với nhiều quạt

Chọn card đồ họa cũng tương tự như chọn mẫu bộ xử lý. Có hai nhà sản xuất GPU (bộ xử lý đồ họa) chính: AMD và NVIDIA, dù gần đây Intel cũng đã quay lại mảng kinh doanh card đồ họa. AMD và NVIDIA thường cho ra mắt các GPU mới hàng năm và các nhà cung cấp card đồ họa sẽ có các lựa chọn cho các mẫu cấp thấp, trung cấp và cao cấp. Sự khác biệt giữa các mẫu thường là về hiệu năng (nhiều nhân hơn, độ phân giải cao hơn, tốc độ khung hình cao hơn), dung lượng bộ nhớ trên bo mạch (GDDR, HBM) và số lượng/loại đầu ra (HDMI, DisplayPort, DVI, VGA, v.v.). Như đã đề cập đến trong phần vỏ, card đồ họa cũng có thể có các chiều dài khác nhau và card cao cấp thường là card dài nhất, sử dụng 2-3 quạt để giữ mát. Khi cân nhắc mình cần card đồ họa cần mạnh đến mức nào, hãy xem xét dự định sử dụng PC của bạn. Liệu bạn có chơi những tựa game mới nhất không? Bạn có kết xuất đồ họa 3D và sản xuất video riêng không? Hay liệu bạn có đào tiền điện tử? Hãy bắt đầu quá trình lựa chọn bằng cách kiểm tra yêu cầu đồ họa được đề xuất cho ứng dụng hoặc game của bạn. Thao tác này sẽ giúp bạn thu hẹp đáng kể danh sách các lựa chọn nếu đó là những yêu cầu cao.

Bộ cấp nguồn

Chọn bộ cấp nguồn (PSU) là một việc khá dễ dàng, miễn là bạn tuân theo một số hướng dẫn đơn giản. Các bộ cấp nguồn được đánh giá theo hiệu năng và mức cơ bản ngày nay là “80 Plus”. 80 Plus có nghĩa là bộ cấp nguồn có hiệu suất 80%, với tối đa 20% công suất chuyển thành nhiệt. Các nhà cung cấp PSU phân biệt các mẫu dựa trên việc sử dụng các kim loại khác nhau, đôi khi là kim loại quý giá và có các quy ước đặt tên từ thấp đến cao như Đồng, Bạc, Vàng và Bạch kim. Hiệu suất cao hơn nhờ sử dụng vật liệu tốt hơn đồng nghĩa với ít năng lượng bị hao phí hơn do bị chuyển thành nhiệt năng. Tiếp theo, bạn cần quyết định công suất của PSU. Đối với bước này, chúng tôi khuyến nghị bạn sử dụng công cụ tính công suất PSU mà bạn sẽ tìm thấy dễ dàng khi tìm trên web. Công cụ này sẽ cân nhắc tất cả các linh kiện khác nhau bạn định sử dụng trong PC của mình và đề xuất mức công suất tối thiểu để hỗ trợ. Cuối cùng và cũng là điều quan trọng nhất là xác nhận số lượng và loại đầu nối trang bị trong PSU. Các đầu nối sẽ tương ứng với loại và số lượng đầu nối nguồn trên bo mạch chủ, card đồ họa và các ổ lưu trữ không được gắn trực tiếp vào bo mạch chủ. Cũng cần cân nhắc xem bạn có cần thêm công suất để hỗ trợ bộ tản nhiệt bằng chất lỏng hay các tùy chọn RGB không, nếu các tùy chọn này không được cung cấp năng lượng từ bo mạch chủ. Bạn vẫn không biết nên chọn gì? Hãy kiểm tra với nhà cung cấp bo mạch chủ của bạn vì họ có danh sách những bộ cấp nguồn đủ tiêu chuẩn trong phần QVL đối với từng mẫu bo mạch.

Trọn gói

Sau khi đã thu thập tất cả linh kiện cần thiết cho hệ thống ép xung tùy chỉnh, bạn cần kết hợp những linh kiện đó lại với nhau. Có thể đây sẽ là thử thách mới đối với bạn, nhưng đừng lo lắng. Có nhiều bài hướng dẫn để hỗ trợ bạn lắp ráp hệ thống của mình an toàn và hiệu quả. Tại Kingston, chúng tôi có hướng dẫn riêng để bạn tham khảo tại đây.

Chúc bạn may mắn khi dựng máy!

#KingstonIsWithYou #KingstonFURY

Video liên quan

Bài viết liên quan