Thanh RAM CUDIMM và CSODIMM
CUDIMM/CSODIMM là gì?

Khi tốc độ tiêu chuẩn của DDR5 ngày càng nhanh hơn trên máy tính để bàn và máy tính xách tay thế hệ tiếp theo, tính ổn định và tính toàn vẹn dữ liệu trở thành những vấn đề quan trọng cần phải khắc phục. Tốc độ tăng lên nghĩa là nhiễu điện và thăng giáng độ trễ cũng trở thành rủi ro và có thể gây ra lỗi, mất dữ liệu hoặc treo hệ thống. Để giải quyết thách thức này, vào cuối năm 2023, cơ quan duy trì các tiêu chuẩn ngành về bộ nhớ là JEDEC đã đặt ra yêu cầu mới cho DIMM (Thanh RAM hai khe cắm) DDR5 không có bộ đệm và SODIMM (Thanh RAM hai khe cắm dạng nhỏ) DDR5. Kể từ dòng DDR5 6400 MT/giây trở đi, thành phần Trình điều khiển xung nhịp máy khách (CKD) phải được thêm vào thanh RAM để truyền lại tín hiệu xung nhịp, giảm thiểu nhiễu, thăng giáng và nhìn chung cải thiện tính toàn vẹn của tín hiệu.

Tín hiệu xung nhịp, trước đây do bộ xử lý tạo ra, là tín hiệu điện áp và dòng điện chạy ở tần số không đổi, dao động giữa trạng thái cao và thấp. Tín hiệu này giúp các thành phần có thể đồng bộ với nhau trên bo mạch chủ để gửi và nhận dữ liệu đúng thời điểm. Khi gắn trên thanh RAM, trình điều khiển xung nhịp sẽ tạo ra tín hiệu xung nhịp riêng để đảm bảo đồng bộ chính xác về thời gian trên thanh RAM.

Phân loại Bộ nhớ Mới

Để phân biệt với các thanh RAM DDR5 dòng cũ không có trình điều khiển xung nhịp, JEDEC yêu cầu phải thêm chữ cái “C” đại diện cho “Clocked” (có xung nhịp) để cho biết có loại linh kiện này, từ đó ra đời các loại thanh RAM mới là CUDIMM và CSODIMM. Đây là điểm khác biệt quan trọng vì CUDIMM và CSODIMM sử dụng cùng khe cắm với các dòng UDIMM và SODIMM DDR5 hiện có. Để tránh xảy ra vấn đề về khả năng tương thích, các nhà sản xuất chipset và bo mạch chủ sẽ triển khai các bản cập nhật BIOS cho bo mạch chủ những dòng trước đây. Các bản cập nhật này sẽ vô hiệu hóa trình điều khiển xung nhịp nếu cài đặt CUDIMM/CSODIMM. Khi CUDIMM hoặc CSODIMM được cài đặt trên hệ thống cũ, thanh RAM này sẽ tự động vận hành ở tốc độ được chipset và bộ xử lý đó hỗ trợ.

Cải tiến này mang đến lợi ích cho nhiều ứng dụng cần độ chính xác về dữ liệu, từ trò chơi và dự án sáng tạo cho đến nghiên cứu khoa học và tính toán tài chính. Việc thêm vào trình điều khiển xung nhịp cũng giúp tốc độ ép xung tăng lên một tầm cao mới. Tính toàn vẹn tín hiệu cải thiện hơn nghĩa là có thể đạt được tốc độ nhanh hơn mà vẫn ổn định khi chịu áp lực.

DIMM không có bộ đệm, có xung nhịp (CUDIMM) và DIMM dạng nhỏ, có xung nhịp (CSODIMM) là một bước tiến lớn trong ngành công nghệ bộ nhớ, phục vụ nhu cầu ngày càng tăng về phần cứng máy tính hiệu năng cao. Thêm trình điều khiển xung nhịp vào thanh RAM chỉ là một ví dụ cho thấy yêu cầu về bộ nhớ luôn thay đổi và đóng vai trò cực kỳ quan trọng để đạt được hiệu năng hệ thống tối ưu.

Bài viết liên quan